Binh nghiệp Gia Luật Sở Tài

Vào năm 1214, Thành Cát Tư Hãn đang tìm cách để thu phục nhân tài và có nghe người ta nói về Gia Luật Sở Tài. Gia Luật Sở Tài nguyên là dòng dõi hoàng tộc Khiết Đan nhà Liêu, có học thức uyên bác, học được tri thức Nho, Đạo, Phật của người Hán. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho quân sĩ mời bằng được Gia Luật về triều kiến và sau khi đi hàng ngàn dặm đường, tháng 6 năm 1218, Gia Luật đã đến tiếp kiến Thành Cát Tư Hãn. Gia Luật đã sớm nhận biết được dân tộc Mông Cổ đang trên đà phát triển nên ông quyết tâm qua Mông Cổ để thực hiện lý tưởng của mình. Sự gặp mặt này đã có ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng triều đại Mông - Nguyên.

Khi gặp mặt Gia Luật, thấy ông có dáng người cao, tai vuông, mắt sáng ngời, tiếng sang sảng, râu dài đến ngực, Thành Cát Tư Hãn đã đặt ngay tên cho ông là "Ông râu dài". Sau khi đàm đạo với Gia Luật khá lâu, Thành Cát Tư Hãn đã bộc bạch, ý rằng muốn đánh đuổi vua Kim Tuyên Tông để chiếm trọn thành Bắc Kinh để báo thù cho người Khiết Đan. Nhưng Gia Luật thành thực trả lời rằng cha ông và ông đều làm quan cho vua Kim, lẽ nào Gia Luật lại dám phản nghịch thù địch lại cha và vua. Nghe câu này, Thành Cát Tư Hãn không khó chịu mà còn đánh giá ông là người có nghĩa, trung thực, mà lại đang có lòng hướng về Mông Cổ với mình nên Thành Cát Tư Hãn đã quyết định giữ Gia Luật lại làm mưu sĩ.

Gia Luật đã đi theo nhà vua hầu cận, nhưng do Thành Cát Tư Hãn vẫn đang có ý cảnh giác, đề phòng những thuộc hạ không phải người Mông Cổ nên trên đường đi chinh phạt phía Tây, Da Luật mới chỉ như một người làm thơ và thầy bói chiêm tinh. Điều làm ông cảm thấy thất vọng là ông không có cách nào để ngăn cản những hành động tàn bạo dã man trái với tư tưởng nhân nghĩa Nho gia và địa vị nhà vua xếp cho ông vẫn chưa xứng với tài năng.

Nhưng sau một thời gian dài và nhiều lần thăm dò, Thành Cát Tư Hãn đã tin tưởng hơn vào Da Luật, nên đã để ông làm Tể phụ cho con trai thứ ba của mình. Căn cứ vào chiến tích, người con thứ ba đã lên ngôi thay Thành Cát Tư Hãn khi ông này chết. Oa Khoát Đài, vị vua mới này khác vua cha, 13 năm trên ngôi vua không chỉ đi chinh phạt mà còn có ý thức xây dựng một xã hội thái bình, yên ổn.

Năm 1232, một đại tướng Mông Cổ tấn công kinh đô Biện Kinh của triều Kim và quân Mông Cổ đã bị người Kim chống trả ác liệt, khiến tướng sĩ Mông Cổ chết nhiều, vị đại tướng này đã đề nghị Nguyên Thái Tông (tức Oa Khoát Đài) làm cỏ kinh thành Biện Kinh để trả thù cho quân sĩ. Thái Tông ban đầu cũng đồng tình theo ý của viên tướng này nhưng Gia Luật đã dùng lý lẽ can gián liên tiếp và Thái Tông nghe ra, cuối cùng chỉ cho giết những người là tay chân của vua Kim. Sự can gián của Gia Luật đã cứu sống hơn một triệu rưởi dân vô tội trong thành Biện Kinh.

Vào thời Thái Tông, Gia Luật đã được nhà vua tín nhiệm, ông đem hết tài trí báo đáp. Thành tựu mà Nguyên Thái Tông có được đã vượt qua những nhà thống trị mà không phải là người Hán khác. Thái Tông làm vua được 13 năm thì qua đời. Hoàng hậu Nãi Mã Chân lên nắm quyền, tin vào một tên thương gia người Tây VựcAhmad Fanakati cấp cho hắn một giấy khống chỉ. Da Luật can gián và hoàng hậu hạ lệnh: Ai dám can sẽ bị chặt tay. Nhưng ông nhất định không chấp thuận ...Tôi chết thì chết cũng không sợ, huống chi chặt cánh tay...

Nãi Mã Chân không dám động thủ. Lúc bấy giờ Gia Luật tuổi cũng đã cao, mang nhiều bệnh, phu nhân mới qua đời, việc nước việc nhà càng làm ông phiền muộn hơn. Năm 1244, Gia Luật Sở Tài đã ôm hận qua đời, hưởng thọ 55 tuổi.

Năm 1330, thời vua Nguyên Thuận Tông, triều đình Mông Cổ truy phong ông làm Thái Sư, Thượng trụ quốc, Quảng Ninh Vương, thụy Văn Chính.